Cuốn nhật ký của người Anh hùng
Khi được đề nghị cho xem kỷ vật kháng chiến, ông nheo nheo mắt, suy nghĩ rồi lên gác xép lấy xuống một cuốn sổ bìa nâu đưa cho chúng tôi. Ông nói: “Kỷ vật tôi giữ trong chiến tranh có thứ này”.
Đó là cuốn sổ lịch xuất bản năm 1964 dày gần 400 trang. Ông kể: Tôi đã viết 2 tập nhật ký trước cuốn này và đã tặng cho Binh chủng Đặc công làm kỷ niệm. Được anh Trần Bảy, người anh họ tặng cho cuốn sổ này, tôi chép lại và dùng nó như một cuốn nhật ký, một cuốn sổ ghi chép những ký ức của mình.
Cuốn sổ được ghi chép chân thật, tỉ mỉ về cuộc đời trận mạc, những suy nghĩ, hoài bão của người con trai quê xứ dừa Hoài Ân, Bình Định, một lòng, một dạ theo Bác Hồ đi đánh giặc. Ông viết trong nhật ký: “Lần đầu tiên tôi được gặp các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương: Cừ, Nhân, Sơn, Chức… Các anh hỏi về hoàn cảnh gia đình, hỏi vì sao đi bộ đội? Có sợ hy sinh không? Cuộc kháng chiến của ta do ai lãnh đạo. Tôi trả lời: Bác Hồ, Bác Hồ tài lắm. Anh em hy sinh được thì tôi cũng hy sinh được…”. Và lời thề ấy theo ông suốt những năm tháng trong quân ngũ. Là một sĩ quan của binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, mỗi lần đi đánh trận là một lần cảm tử, cái sống, cái chết liền kề trong gang tấc nhưng lạ thế, biết là nguy hiểm lắm nhưng ông và đồng đội của ông vẫn sẵn sàng.
Những trang nhật ký chiến trường
Một phần quan trọng trong cuốn sổ nhật ký là những bức vẽ sơ đồ, diễn biến các trận đánh, tên đồng đội hy sinh kèm theo sơ đồ mộ chí, nơi chôn cất liệt sĩ. Cuối mỗi trang ông đều viết: “Hết chiến tranh, nếu còn sống, tôi sẽ lên đón các đồng chí về”. Ông đã thực hiện được tâm nguyện đó. Ông cùng đồng đội đã quy tập hơn 300 mộ, trong số đó có một nửa số mộ có tên, ngày sinh, quê quán, ngày hy sinh. “Bây giờ 80 tuổi rồi, tôi không còn sức mang cơm vắt, cá khô đi khắp núi rừng miền Trung – Tây Nguyên để tìm đồng đội như thủơ nào, tôi đã phô tô sơ đồ mộ chí, phóng to lên hướng dẫn anh em cựu chiến binh đi theo chỉ dẫn đưa đồng đội trở về với người thân sau bao nhiêu năm mòn mỏi, mong chờ”- Ông tâm sự.
Xen lẫn trong những bước chân trận mạc ấy, cuốn nhật ký còn ghi lại cảm xúc của ông qua những dòng tâm sự, những vần thơ viết về tình yêu da diết sâu nặng mà ông dành cho người vợ trẻ Lê Thị Hồng Sao đang mang thai ba tháng đã hy sinh vì bom na-pan của Mỹ ngày 13-7-1968. Ông cho tôi xem tấm ảnh vợ chồng ông chụp ngày cưới. Trong ảnh là hai người với nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Ông mân mê, xoa đi xoa lại bức ảnh mà tâm trí như đọng lại với những hồi tưởng lại ngày xưa. Rồi hình như cảm thấy những dòng chữ trong cuốn sổ không thể nói hết lòng mình, người cựu chiến binh già ngồi kể lại câu chuyện tình yêu thời chiến, thật lãng mạn và cũng đầy bi tráng của mình: “Hôm cưới, Sao trong chiếc áo bà ba hoa tím, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, tôi không thể nào quên được. Nụ cười đó tôi đã bắt gặp ngay từ cái nhìn đầu tiên…
Chuyện chung, chuyện riêng của Đại tá Trần Kim Hùng qua cuốn nhật ký đều cháy bỏng một tình yêu quê hương đất nước. Những niềm vui, nỗi buồn được ghi lại trong những năm tháng rực lửa chiến tranh của Đại tá Trần Kim Hùng đã trở thành tài sản vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau.