Lời thề với Thành cổ
Sau khi nhận được điện của Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu “Tiểu đoàn 3 bằng mọi giá phải giữ vững Thành cổ, kiên quyết không cho địch cắm cờ, phải bảo đảm an toàn cho từng mét đất trong Thành”, tôi họp Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị quyết tâm giữ vững Thành cổ. Đêm đó dưới ánh trăng Thành cổ và bom đạn của kẻ thù, cả Tiểu đoàn 3 đã cùng viết lời thề quyết tử: “K3 Tam Đảo còn – Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”.
Đến đầu tháng 9-1972 bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Giằng co với địch đêm ngày, ta bị thương vong nhiều trong khi quân địch mỗi lúc một đông. Chúng liên tục dùng lực lượng quy mô cấp Trung đội, Đại đội kết hợp với hỏa lực bắn phá liên tục vào Thành. Ngày 10-09-1972, từ Tri Bưu và Làng Hành Hoa, theo hướng Đông Bắc địch sử dụng cả xe tăng, súng phun lửa bắn phá dữ dội vào trận địa. Đỉnh điểm là trận đánh ngày 12-9, ta phải đương đầu với 2 Đại đội lính thủy đánh bộ ngụy. Lúc này lực lượng của Tiểu đoàn chỉ còn hơn hai chục cán bộ, chiến sỹ. Tôi cũng xuống đơn vị chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu cùng anh em. Với lòng dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Thành cổ, cả Tiểu đoàn đồng loạt nổ súng và xuất kích tiêu diệt địch. Tôi còn nhớ, trong trận này đồng chí Hán Duy Long, chiến sỹ Đại đội 9 bắn một lúc 9 quả B40 diệt 38 tên địch.
Địch vẫn tiếp tục tấn công nhiều đợt nhưng đều bị chúng tôi đánh bật ra. Sau đó chúng quay sang củng cố lực lượng tại chỗ và đào hầm hào bao vây Thành. Lúc này lực lượng của Tiểu đoàn còn rất mỏng, tôi lệnh cho toàn đơn vị tập trung các loại vũ khí lại, mỗi đồng chí sử dụng 3 đến 4 loại súng và phải cơ động trong một đoạn hào dài 20-30 mét, kiên quyết đánh địch bật ra, kết hợp với xuất kích nhỏ, buổi tối ra ngoài Thành lấy vũ khí đạn dược của địch để tiêu diệt địch. Chúng tôi vẫn cố cầm cự với địch đến cùng.
Ngày 16-9-1972, khi quân số của Tiểu đoàn bị thương vong gần hết chỉ còn lại hơn 10 đồng chí cũng là lúc chúng tôi được lệnh rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”.
Xuất sắc trong 81 ngày đêm kìm giữ chân địch, bảo vệ Thành cổ, ngày 23-09-1973, Tiểu đoàn 3 Tỉnh đội Quảng Trị đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đồng chí Đỗ Văn Mến sau khi rời Thành cổ tiếp tục tham gia chiến đấu trên những chiến trường khác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, ông vẫn luôn giữ trong mình phẩm chất của người lính Cụ Hồ, với lời thề của K3 năm xưa. Năm 2009 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Đây là thành tích của đồng đội. Tôi chỉ thay mặt anh em, những người có thể trở về và những người còn mãi nằm lại Thành cổ nhận lấy mà thôi”. Với suy nghĩ đó, ông đã trao Bằng và Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật để đưa vào hệ thống trưng bày phục vụ công tác giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh và lưu giữ cho mai sau.