Nhật ký “vào Nam ra Bắc”

Năm 1959, Hoàng Thanh Sửu nhập ngũ, là giáo viên nên ông được phân công làm thông tin văn hóa ở Tỉnh đội Quảng Bình. Ba năm sau xuất ngũ, ông về công tác ở Thị đoàn Đồng Hới. Chiến tranh chống Mỹ nổ ra ngày càng ác liệt trên cả hai miền Nam Bắc, năm 1965 ông tái ngũ, hành quân vào mặt trận Tây Nguyên. Là lính trinh sát đặc công của đơn vị K28, đóng quân ở vùng rừng thiêng nước độc và chiến đấu gian khổ nhưng Hoàng Thanh Sửu luôn lạc quan yêu đời. Ông thường làm thơ, viết nhật ký và vẽ tranh. Những bài thơ đầy hơi thở chiến trường, những bức ký họa mang sắc màu Tây Nguyên hùng vĩ, ông làm xong, sửa cẩn thận rồi đem tặng đồng đội. Chỉ có hai cuốn Nhật ký, một cuốn mang tên “Nam tiến”, một cuốn là “Đường về hậu phương”, được ông cất giữ cẩn thận hơn 40 năm nay.


Hai
cuốn nhật ký của ông Sửu.

Hành quân qua nhiều bản làng, chứng kiến tội ác
của giặc Mỹ, ông viết:

Ngày
13-3-1967: Nhiều người dân vô tội ở xóm Bình An, trong đó có thân nhân của đồng
chí chính trị viên đã bị giặc giết bằng súng tiểu liên và lựu đạn. Có người bị
thả chất độc vào hầm, chết thật đau đớn. Chúng giết từ những em bé thơ ngây đến
các cụ già tóc bạc phơ. Chỉ trong 4 ngày mà chúng đã giết hại 744 người dân vô
tội!

Người lính đặc công vốn đã gian khổ, ở chiến
trường B3 càng gian khổ hơn vì địa hình lắm núi cao vực sâu. Những con dốc dựng
đứng, những thác nước hung dữ, từ Sê-rê-pốc cuộn sóng đến Pô Cô xanh thẳm, dù
hiểm nguy khi hành quân qua nhưng trong con mắt của “nhà thơ” Hoàng
Thanh Sửu, cảnh vật đó vẫn lãng mạn, người lính càng quyết tâm cao:

Ngày
19-9-1967: Tưởng rằng có chiếc đò ngang/Ai ngờ nước lớn, vượt sang không
thuyền/Lặng nhìn dòng nước sao yên/Ni lông gói lại thay thuyền qua sông/Bơi qua
lòng mới nhủ lòng/Quyết tâm diệt Mỹ, núi sông nào bằng!

Những lúc nghỉ ngơi sau chặng hành quân dài,
phút dừng chân giữa điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ là ông Sửu lại tranh thủ viết
nhật ký. Có lúc nhận được lá thư của người vợ trẻ gửi từ hậu phương xa xôi,
chặng đường dài qua bao trận bom, thư đi hằng tháng và không còn nguyên vẹn.
Tuy đau lòng nhưng ông vẫn kìm nén cảm xúc: Mảnh pháo xé thư, chữ vẫn còn/Tình
cảm đâu sờn bởi đạn bom/Dẫu quân cướp Mỹ gây tội ác/Khắc cốt ghi mọi nẻo Trường
Sơn!

Đơn vị K28 – B3 do đồng chí Nguyễn Đức Thịnh làm
Tiểu đoàn trưởng, với những chiến công thầm lặng, là nỗi khiếp đảm của lính Mỹ
và chư hầu trên núi rừng Tây Nguyên. Từ Plây-me, Ngọc Linh đến Đắc Tô, Tân
Cảnh… những trận đánh theo kiểu “nở hoa trong lòng địch”, nội công
ngoại kích, tiêu diệt những đồn bốt kiên cố, làm cho Mỹ-Ngụy hoang mang cực độ.
Là người biết tiếng Anh, ông Sửu còn được cấp trên giao soạn thảo truyền đơn,
thư gọi hàng, phát loa binh vận. Một số bài tiếng Anh cũng được ông ghi trong
quyển nhật ký Nam Tiến…

Bốn năm chiến đấu trên mặt trận B3 đầy gian khổ,
nhiều lúc gối đất nằm sương, nhiều trận sốt rừng dai dẳng, ông bị thương và
được chuyển ra Bắc điều trị. Dù sức khỏe yếu, có lúc tự đi, có lúc được cáng
nhưng khi dừng chân ở trạm khách giữa rừng là ông không quên viết nhật ký.
Quyển “Nam tiến” khổ 13x17cm bằng giấy ô ly, dày gần trăm trang đã
kín chữ. Ông đóng quyển thứ hai: “Đường về hậu phương”, cũng vẽ bìa
đẹp và ghi đều đặn dọc đường ra Bắc. Trường Sơn đối với ông bây giờ thật nên
thơ trong khoảng thinh lặng của chiến tranh:


Cựu
chiến binh Hoàng Thanh Sửu.

Ngày
5-5-1969: Nơi chúng tôi đang đứng có độ cao hơn ngàn rưỡi mét, khung cảnh thật
hùng vĩ. Bên trái là tỉnh A-tô-pơ của nước bạn Lào, bên phải là Kon Tum và
Quảng Nam, núi trùng điệp, rừng cổ thụ thẳng đứng bạt ngàn, thác đổ trắng xóa.
Dọc đường có rải rác các bản dân tộc Lào xen lẫn Kơ-tu, càng đi cảnh vật càng
nên thơ. Đến Trạm 70  lúc 12 giờ trưa, mệt nhưng vui vì gặp đồng hương…

Ra Bắc điều trị cũng là nhiệm vụ nên ông Sửu
luôn rèn luyện thân thể, chóng khỏe để vào Nam tiếp tục chiến đấu. Trang nhật
ký ông viết bên bờ sông, khi đã qua nhiều trọng điểm:

Ngày
6-6-1969: Vượt trạm 15 về trạm 7, qua ba trọng điểm ác liệt đã đến bờ sông Sê
Pôn. Dọc đường 9 gặp pháo kích, nhiều bãi bom B52 nham nhở, còn khét lẹt. Đến
T4 lúc 3 giờ chiều nhưng mãi đến 9 giờ tối mới được ăn cơm vì bận đánh nhau với
thám báo. Ngày hôm sau sẽ đến Trạm 5, sẽ được đi bằng ô tô…

Cuối năm 1970, sức khỏe tạm bình phục, ông Sửu
được chuyển ngành về Đồng Hới, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông giữ chức Trưởng
Đài phát thanh thị xã, lại tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Tiếng hát át
tiếng bom” nổi tiếng một thời.

Năm trước, vết thương cũ tái phát, mới điều trị
tạm ổn thì căn bệnh hở động mạch vành phát ra. Ông phải vào Huế làm đại phẫu.
Bác sĩ lấy mạch máu ở hai bắp chân để nối lên lồng ngực. Ca mổ kéo dài 8 tiếng,
vết thương chồng lên vết thương chằng chịt, ở tuổi trên 70, sức chịu đựng như
ông quả là hiếm. Các con ông kể rằng, trước khi mổ tưởng không qua khỏi, ông
căn dặn nhiều điều, trong đó 2 cuốn Nhật ký chiến trường, ông giao cho con
trưởng giữ, cất kỹ trong tủ kính như báu vật. Thật may là ca mổ thành công, ông
lại tiếp tục “sống vui sống khỏe” cùng con cháu ở phường Đồng Sơn,
thành phố Đồng Hới.

Xuân
Vui
 (QĐND)

Similar Posts