Sự thật về đài phát thanh “Mặt trận gươm thiêng ái quốc” (Phần 1)
Nam Việt Nam trở về Washington để nhận nhiệm vụ chỉ huy Nha Kế hoạch CIA khu
vực Đông Nam Á. Trong một buổi họp với các quan chức chóp bu CIA sau đó, Tổng
thống Kennedy ra lệnh cho Colby: “Một mặt, nghiên cứu và phân tích sự thất
bại về các hoạt động bí mật của CIA tại miền Bắc”. Mặt khác, Kennedy yêu
cầu Colby: “Gấp rút tạo ra những bất ổn về tâm lý ở miền Bắc như Cộng sản
đã làm ở miền Nam Việt Nam”. Theo nhận định của Colby, chính quyền miền Bắc
đặt ưu tiên hàng đầu về các vấn đề nội an, gián điệp và phá hoại. Vì vậy, Colby
chủ trương “cần làm cho xã hội của họ rối loạn bằng chiến tranh tâm
lý” mà trọng tâm là lĩnh vực tuyên truyền với các phương tiện như phát
thanh, truyền đơn, báo chí, túi quà tặng…, và những kỹ thuật khác, chẳng hạn
như dựng ra những mặt trận hay những tổ chức đối kháng không có thật.
Kế
hoạch OP39
Để thực hiện cuộc “chiến tranh tâm
lý”, Colby chọn Herb Weisshart, một sĩ quan CIA dày dạn kinh nghiệm, trước
đây từng chỉ đạo các hoạt động bí mật ở một số quốc gia trong vùng Đông Bắc Á
rồi sau đó, về phụ tá cho Colby ở Sài Gòn làm người trực tiếp chỉ huy – và đặt
tên cho nó là “Kế hoạch OP39”.
Theo Colby, mục tiêu của cuộc chiến tranh tâm lý
này, là làm thế nào để buộc “Bắc Việt phải quay về bảo vệ hậu phương hơn
là dồn mọi nỗ lực cho chiến trường miền Nam”.
Một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất của kế
hoạch OP39 là tìm cách tạo cho người dân miền Bắc tin rằng có một tổ chức chống
Cộng độc lập đã hình thành và đang hoạt động ngay tại miền Bắc. Tổ chức này
không theo Mỹ, không theo Liên Xô, không theo Trung Quốc và cũng không theo
Việt Nam Cộng hòa.
Để đặt cho nó một cái tên khả dĩ có thể chứng
minh được sự “trung lập” của nó, Weisshart tìm đọc lịch sử Việt Nam,
phỏng vấn nhiều người Việt và qua đó, ông ta biết chuyện “trả lại kiếm
thần” của Vua Lê Lợi. Từ câu chuyện cổ sử ấy, một tổ chức mang tên
“Mặt trận gươm thiêng ái quốc” (MTGTAQ), ra đời, bộ chỉ huy đầu não
đặt tại số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Tp
HCM). Đây cũng là nơi đặt trụ sở của Đài phát thanh mang tên “Mẹ Việt Nam”,
được coi như đỡ đầu cho Đài phát thanh MTGTAQ.

Hồng Thập Tự, nơi đặt Đài phát thanh Mặt trận gươm thiêng ái
quốc (ảnh chụp trước năm 1975).
Bước tiếp theo, Weisshart tung những toán
“Biệt hải” (biệt kích biển) gồm toàn người Bắc di cư hoặc người miền
Trung, sử dụng thuyền gỗ để tránh bị radar Bắc Việt phát hiện, xâm nhập vùng
biển các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, bắt cóc ngư phủ miền Bắc, bịt mắt
họ rồi đưa về căn cứ Do Do ở Cù lao Chàm, Đà Nẵng – mà CIA đặt cho nó mật danh
là “Đảo thiên đường”.
Thiếu tá Roger Mc Elroy – là thành viên của kế
hoạch OP39 và cũng là một trong số rất ít người Mỹ đã từng xâm nhập vùng biển
Bắc Bộ, kể lại: “Những chiếc tàu ấy được đóng với kích thước, hình dáng
như tàu của ngư dân miền Bắc nhưng trang bị động cơ cực mạnh. Trong chuyến xâm
nhập, tôi mặc quần áo bà ba đen ngụy trang, đội lưới che mặt và không đem theo
bất cứ loại giấy tờ tùy thân hay vật dụng gì có thể chứng tỏ tôi là người
Mỹ”.
Khi vào đến vùng biển miền Bắc Việt Nam, Elroy
không được lên trên boong tàu mà phải ở dưới hầm. Nhiệm vụ của ông ta là liên
lạc với lực lượng Hải quân Mỹ đang có mặt ngoài khơi vịnh Bắc Bộ để ứng cứu khi
cần thiết.
Trên “đảo thiên đường”, một ngôi làng nhỏ được
xây dựng không khác gì một làng chài ở miền Bắc. Dân trong làng – kể cả phụ nữ,
trẻ con cũng đều là người Bắc di cư vào Nam năm 1954, và đã được huấn luyện
đóng kịch rất bài bản. Nếu có khác thì chỉ khác trong làng không treo cờ miền
Bắc, không treo cờ miền Nam mà
treo cờ MTGTAQ! Trong suốt 3 tuần ở “đảo thiên đường”, những ngư phủ
bị bắt cóc được cho ăn uống đầy đủ, săn sóc sức khỏe chu đáo đồng thời được
nghe những tin tức thất thiệt về tình hình miền Bắc, cũng như sự ra đời của
MTGTAQ.
Sau đó, với lý do bảo đảm an toàn cho bản thân
họ, “Biệt hải” lại bịt mắt họ, đưa họ trở về vùng biển nơi họ đã bị
bắt với một túi quà gồm 1 radio đã cài sẵn băng tần Đài phát thanh MTGTAQ, quần
áo, xà phòng, bật lửa, đá lửa, bánh kẹo, pin, cùng với một chiếc phao bằng ruột
xe…, tất cả đều không có nhãn mác xuất xứ, rồi để họ tự tìm cách vào bờ. Ngoại
trừ chiếc radio, còn thì tất cả đều được làm giống y như hàng hóa miền Bắc để
họ có thể sử dụng thường ngày mà không bị người khác chú ý.
Sau tháng 4/1975, một biệt hải tên Linh di tản
ra nước ngoài, kể lại: “Chúng tôi phải làm mọi cách để ngư phủ miền Bắc
tin rằng họ vẫn đang ở miền Bắc, nhưng là ở trong một làng tự do của MTGTAQ.
Tất cả mọi cố vấn Mỹ đều không được phép xuất hiện tại khu vực này. Hàng ngày,
chúng tôi ăn, ngủ cùng họ và khéo léo khai thác thông tin tình báo từ họ. Như
tôi chẳng hạn, vốn là dân Hải Phòng di cư, tôi kể cho họ nghe một số kỷ niệm về
thành phố cảng, về những con người mà tôi quen biết. Sau đó, tôi khéo léo hỏi
họ về quê hương bản quán, gia đình, bà con họ hàng, bạn bè… Bằng cách này,
chúng tôi thu thập được tên tuổi, chức vụ của một số cán bộ cấp xã, cấp huyện,
thậm chí cấp tỉnh nơi họ sống”.
Theo báo cáo của CIA, năm 1963, có 353 ngư phủ
Bắc Việt được đưa về tuyên truyền tại “đảo thiên đường”. Từ năm 1964 đến 1968,
con số này là 1.003 người. Weisshart tin rằng những ngư phủ ấy sẽ đem chuyện
MTGTAQ kể lại cho gia đình, cho bạn bè họ và sớm muộn gì nó cũng sẽ đến tai Cơ
quan An ninh Bắc Việt Nam.
Và như vậy, Cơ quan An ninh Bắc Việt Nam sẽ tốn nhiều nhân lực, thời gian, công
sức để truy tìm cái không có thật.

CIA Colby động viên tinh thần một nhóm biệt hải tại Đảo Thiên đường – Cù Lao
Chàm trước khi xâm nhập miền Bắc.
Tháng 12/1961, dưới sự dàn dựng của Colby và
Weisshart, “đại hội” MTGTAQ được tổ chức. Trong “đại hội”
này, một nhân vật “ma” là Lê Hưng Quốc được bầu làm chủ tịch. Bản
tuyên ngôn của “mặt trận” nêu rõ tính “trung lập”:
“Chống sự can thiệp của tất cả các lực lượng nước ngoài vào nội tình Việt Nam. Yêu cầu
mọi lực lượng vũ trang, cố vấn và các tổ chức nước ngoài khác phải rút khỏi hai
miền Nam,
Bắc”.
Bên cạnh đó, “mặt trận” còn huênh
hoang rằng: “Đã phát triển mạnh mẽ ở cả hai lĩnh vực chính trị lẫn quân
sự. Đã thành lập nhiều tổ mặt trận ở miền Bắc với 10.000 đảng viên, trong đó
1.600 đã được vũ trang. Các cán bộ quân sự nòng cốt khi đến sinh hoạt với
các tổ trên toàn miền Bắc đều có chứng minh thư mặt trận, do Ủy viên thường vụ
Lê Hùng Cường ký tên, đóng dấu.
Tiến thêm một bước, tháng 4/1965, Đài phát thanh
MTGTAQ, tự nhận là đặt tại vùng núi tỉnh Hà Tĩnh, phát sóng buổi đầu tiên trên
hai dải tần số trung bình và sóng ngắn. Thực tế thì nó được phát đi từ số 7
đường Hồng Thập Tự, hoặc ở Quán Tre, Hóc Môn, Cát Lở, Vũng Tàu hoặc Thanh Lam,
Huế rồi được một tàu kỹ thuật của CIA thường xuyên túc trực ngoài khơi vịnh Bắc
Bộ, trong vùng biển quốc tế thu lại, khuếch đại tín hiệu rồi phát chuyển tiếp
về miền Bắc.
Trong chương trình phát thanh này và tất cả
những chương trình về sau, ngoài việc xuyên tạc tình hình miền Bắc, gây mất
lòng tin giữa nhân dân và chính quyền, đả kích Liên Xô, Trung Quốc, Đài MTGTAQ
còn đưa ra những chiến thắng giả tạo, do các “tổ công tác của mặt
trận” thực hiện, chẳng hạn như đã ám sát cán bộ này, đốt cháy đoàn xe quân
sự kia.
Đặc biệt hơn, Weisshart đề nghị MACV (Bộ tư lệnh
quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam) và Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam
Cộng hòa, ra lệnh cho tất cả các đơn vị tìm mọi cách thu thập giấy tờ cá nhân
của bộ đội miền Bắc rồi sau đó, cho phát thanh trong chuyên mục được đặt tên là
“sinh Bắc, tử Nam” nhằm mục đích làm cho thân nhân của những người
được nêu tên trên sóng phát thanh, tin rằng con em mình đã chết.
Song song với những việc ấy, Weisshart thuê một
số phi công Đài Loan, đã từng cộng tác với CIA trong thập niên 50, dùng
máy bay không số hiệu, ban đêm lén lút xâm nhập vùng trời miền Bắc để rải
truyền đơn. Nội dung của những tờ truyền đơn này là: “Đã có một khu giải
phóng nằm dưới vĩ tuyến 19 – nghĩa là thuộc phạm vi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình”.
Để chứng tỏ MTGTAQ là một tổ chức có thật, thỉnh
thoảng Weisshart ra lệnh cho những toán “Biệt hải”, ăn mặc quần áo
của “Mặt trận”, lén lút xâm nhập vào các làng xóm ven biển miền
Bắc để tuyên truyền và tặng quà.
Mục
tiêu riêng biệt
Bên cạnh Đài phát thanh MTGTAQ, kế hoạch OP39
còn sử dụng một số phương tiện truyền thông khác, phục vụ cho những mục tiêu
riêng biệt. Chẳng hạn như để gây hoang mang cho người dân miền Bắc, CIA đã dùng
“kỹ thuật đánh lừa” – gọi là snuggling. Nó được Colby và Weisshart
thực hiện bằng cách cho dựng lên một đài phát thanh mà tần số của nó trùng với
tần số phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam – và cũng mang tên là… Đài
tiếng nói Việt Nam nhưng
công suất mạnh hơn!
Trong các chương trình phát thanh của cái đài
“dỏm” này, tin tức được bóp méo rất khéo léo, thí dụ như trong chuyên
mục nông nghiệp phát vào đêm 11/4/1966, nó đã đưa tin: “Vụ đông xuân năm
nay, toàn miền Bắc có 124 nghìn hécta lúa bị sâu bệnh, dẫn đến sản lượng lương
thực bị tổn thất nghiêm trọng”.
Theo Weisshart, những tin tức đại loại như vậy
sẽ gây lo lắng cho người dân trong một xã hội mà lương thực được phân phát theo
tem phiếu, cũng như tạo ra tâm lý hoang mang cho bộ đội miền Bắc ở chiến trường
miền Nam.
Lâu dài, sự lo lắng sẽ dẫn đến bức xúc, phẫn nộ, tạo tiền đề cho việc hình
thành và lôi kéo người dân tham gia vào những tổ chức đối kháng sau này.
Không chỉ có Đài MTGTAQ, Đài tiếng nói Việt Nam
“dỏm”, Weisshart còn lập ra Đài Cờ đỏ, mệnh danh là tiếng nói của một
nhóm chống đối trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đài này không chỉ trích Liên
Xô nhưng “tố” Trung Quốc kịch liệt nhằm gây chia rẽ nội bộ. Ăng ten
phát sóng của nó đặt ở Quán Tre, Hóc Môn (nay là quận 12) và cũng được tàu kỹ
thuật của CIA ở hải phận quốc tế thu lại, khuếch đại rồi phát chuyển tiếp ra
miền Bắc.
Đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên của nó
hầu hết là những kẻ chiêu hồi, còn phụ trách kỹ thuật là những chuyên viên
người Philippines.
Chưa hết, vẫn từ miền Nam,
Weisshart lập Đài phát thanh Sao đỏ nhằm chia rẽ cán bộ cách mạng miền Nam với
miền Bắc.
(CAND)