Sự thật về đài phát thanh “Mặt trận gươm thiêng ái quốc” (Phần 2 và hết)

Như đã nói trong bài trước, để người dân miền Bắc, bộ đội và dân sống trong vùng giải phóng tin rằng “có một tổ chức chống đối đang hoạt động ngay tại miền Bắc”, những người cầm đầu kế hoạch OP39 đã cử những toán “biệt hải” lén lút xâm nhập ra miền Bắc để bắt cóc ngư dân, đưa về “đảo thiên đường”, tuyên truyền. Tuy nhiên, không phải ngư dân nào cũng tin vào điều này.

Vẫn “biệt hải” tên Linh, kể: “Có
những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm nên dù mắt họ bị bịt kín, nhốt dưới hầm tàu
nhưng chỉ cần nghe tiếng tàu cưỡi sóng và thời gian tàu chạy, họ cũng biết bị
đưa về phía Nam”.
Khi đến “đảo thiên đường”, ban đêm nhìn sao trên trời, họ lại càng không tin đó
là “làng tự do MTGTAQ ở miền Bắc”.

Không thuyết phục được họ, CIA ra lệnh tra tấn
họ để khai thác rồi cuối cùng chuyển họ ra nhà tù đảo Phú Quốc như tù binh
chiến tranh bởi lẽ ngoài nghề đánh cá, ở địa phương họ còn tham gia dân quân tự
vệ!

“Biệt hải” Nguyễn Thà kể lại một
chuyến xâm nhập miền Bắc như sau: “Trung thu năm 1967, chúng tôi được lệnh
bí mật vào Thanh Hóa để làm nhiệm vụ tâm lý chiến, là phát cho người dân ở cửa
biển Tĩnh Gia những gói quà của MTGTAQ, gồm vải vóc, áo quần, bánh kẹo và
radio, đã được gói sẵn trong bọc nilon không thấm nước…

Đến ngày xuất phát, chúng tôi được chiến đỉnh
PTF đưa từ Đà Nẵng ra vùng biển Thanh Hóa rồi dùng xuồng cao su chèo vào bờ.
Trước đây đã có nhiều toán xâm nhập khi vừa vào đến bờ là bị bắt ngay tại chỗ
nên chúng tôi dù không ai nói ra, nhưng tất cả đều nơm nớp lo sợ cho số phận
của mình.

Mặc dù trên sa bàn cũng như trên bản đồ không
ảnh, cách địa điểm chúng tôi đổ bộ khoảng 500m là một làng đánh cá. Nhưng khi
chạm đất, xung quanh chỉ toàn rừng dương. Có lẽ những cơn sóng lớn đã đẩy chúng
tôi đi lạc. Tìm kiếm một lúc nhưng không kết quả, toán trưởng Kha ra lệnh bỏ
lại tất cả những gói quà xuống bờ cát rồi lên xuồng cao su tháo lui. Trên
xuồng, Kha dặn anh em chúng tôi khi về báo cáo, thì đều phải nói “đã tiếp
xúc với gần 30 người dân, phát quà. Dân rất hoan nghênh và tin tưởng
MTGTAQ”.


Một
nhóm “biệt hải” ở Cù lao Chàm (quần áo bà ba đen) được chiêu đãi
trước khi xâm nhập miền Bắc.

Với những thông tin thu thập được – kể cả thông
tin “ma”, đại loại như thông tin do nhóm “biệt hải” Nguyễn
Thà báo cáo, cộng với những tin tức lấy từ tù binh hoặc những kẻ chiêu hồi,
Weisshart chuyển sang bộ phận biên tập Đài MTGTAQ để xử lý. Vì thế, chẳng lấy
làm lạ khi trong nhiều bản tin, Đài MTGTAQ nêu vanh vách họ tên của một số bí
thư, chủ tịch xã, huyện, tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Sơn La, Hải Phòng…

Hàng đêm, tầm khoảng 22h, một giọng nữ lại rền
rĩ trên Đài MTGTAQ với âm sắc thê lương: “Mẹ Việt Nam rất đau buồn khi
thấy những đứa con của mẹ sinh ra ở miền Bắc và phải chết ở miền Nam”, rồi
sau đó là họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán của từng “người
chết”. Tuy nhiên, lắm khi cái trò tâm lý chiến này lại… phản chủ! Trong
một cuộc hành quân ở phía bắc Củ Chi, lính Mỹ nhặt được một cuốn sổ tay bị bom
đánh tan nát, chỉ còn lại một phần trang đầu với dòng chữ viết tên Nguyễn Công
Lộc, Hải Hậu, Nam Định.

Thế là mấy hôm sau, trong mục “sinh Bắc tử
Nam” của Đài MTGTAQ, cái tên Nguyễn Công Lộc cùng địa danh quê quán được
xướng lên, nêu rõ Lộc “hy sinh tại mặt trận Củ Chi vì bom B52” trong
lúc sự thật thì anh Lộc này, có người bạn thân đi bộ đội nên ngày bạn lên
đường, anh đã tặng bạn cuốn sổ tay ghi tên mình như một vật kỷ niệm!

Chưa hết, trong những chuyến xâm nhập, nếu xảy
ra đụng độ và nếu “biệt hải” bắt được tù binh thì họ sẽ bị đưa ra tòa
án “Gươm thiêng ái quốc”, bị khép vào tội “chống lại quê
hương” và lãnh án tử hình. Tuy nhiên, do “chính sách khoan hồng”
của MTGTAQ, tù binh được đưa đến Cù lao Chàm rồi được tuyên truyền, nhồi sọ.
Trước khi trả về làng cũ, tù binh bị bắt buộc phải viết giấy thú tội rồi sau
đó, những lời “thú tội” ấy được phát liên tục trên Đài MTGTAQ.

Trường hợp tù binh bị khuất phục, họ sẽ được đào
tạo, huấn luyện kỹ năng gián điệp để làm việc cho “mặt trận”. Khi trở
về quê quán, họ sẽ hoạt động ngầm, tuyên truyền cho “mặt trận”. Trong
tay OP39, MTGTAQ không chỉ là chiến tranh tâm lý, mà thật sự là công cụ phá
hoại, chống lại chế độ miền Bắc bằng việc xúi giục dân chúng miền Bắc vũ trang
lật đổ chính quyền.

Chiến
dịch “Đậu phụng” và chiến dịch “Những mảnh xà phòng”

Sau khi lập xong các đài phát sóng, vấn đề còn
lại của kế hoạch OP39 là làm thế nào để người dân miền Bắc nghe được những bản
tin, những bài bình luận của Đài MTGTAQ, Đài Tiếng nói Việt Nam
“dỏm”, Đài Cờ Đỏ, Đài Sao Đỏ, Đài Mẹ Việt Nam… Theo tài liệu của CIA
đã giải mật, thì vấn đề này được giải quyết bằng “Chiến dịch những hột đậu
phụng” (Peanuts Operation).

Trong hai năm 1966-1967, đã có khoảng 30 nghìn
chiếc radio tí hon với tần số cài đặt sẵn, làm từ Nhật Bản nhưng không ghi xuất
xứ, được thả xuống miền Bắc và những vùng giải phóng ở miền Nam bằng dù, hoặc
cho vào túi nilon trong suốt, không thấm nước để người nhặt có thể thấy rõ
chiếc radio rồi thả theo đường biển kèm với những món quà như pin, bút, sách,
nến (đèn cầy), bật lửa, đá lửa, truyền đơn, để thủy triều đưa vào bờ.


Tàu
kỹ thuật của CIA (bên trái) đang được tiếp nhiên liệu ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

Giữa năm 1968, đại tá Bill Rydell – người chỉ
huy kế hoạch OP39 nhận ra rằng vấn đề pin dùng cho radio là vấn đề sinh tử
trong cuộc chiến tranh tâm lý. Trong một cuộc họp, ông ta nêu câu hỏi:
“Nếu một người dân miền Bắc nhặt được túi quà rồi cất giấu để sử dụng. Sau
một thời gian, pin hết, liệu ông ta có bị nghi ngờ khi đi mua pin hay không
trong lúc An ninh Bắc Việt Nam đều biết túi quà có radio cài sẵn băng tần Đài
MTGTAQ?”.

Để giải quyết vấn đề này, Bill Rydell đặt hàng
một công ty Nhật Bản, sản xuất cho OP39 loại radio chạy bằng dây cót. Cứ mỗi
lần lên dây cót, điện năng sẽ được sản sinh ra, đảm bảo cho radio hoạt động
trong nửa giờ. Tuy nhiên, khi loại  radio “dây cót” chưa kịp
hoàn thành thì đầu tháng 11/1968, Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh chấm dứt kế
hoạch OP39. Dù vậy, trong năm 1968 cũng đã có 10 nghìn chiếc radio dùng pin
được thả xuống miền Bắc.

Song song với những việc này, nhiều bức thư giả
mạo được gửi từ Paris, Hongkong, Tokyo, Bangkok…
về địa chỉ của một số cán bộ cao cấp, trung cấp ở Hà Nội. Những bức thư ấy viết
bằng loại mật mã đơn giản mà theo Weisshart, thì Cơ quan An ninh Bắc Việt Nam sẽ dễ
dàng bẻ khóa. Nội dung của nó cho thấy người nhận thư từ lâu đã là điệp viên
ngầm của CIA, và CIA ra lệnh cho họ phải thực hiện nhiệm vụ XYZ nào đó.

Cũng trong chiến dịch này, những kẻ chiêu hồi
được lệnh viết thư cho thân nhân ở miền Bắc, đề cao đời sống miền Nam, đề nghị
gia đình tìm kiếm những “túi quà tâm lý chiến” và cất giấu kỹ lưỡng,
bất cứ lúc nào thuận tiện thì lấy ra nghe Đài MTGTAQ, Đài Mẹ Việt Nam… Những lá
thư ấy, thông qua một số điệp viên CIA cài cắm trong các tổ chức từ thiện phi
chính phủ, hoặc một số cơ quan ngoại giao phương Tây, mang vào Hà Nội rồi điệp
viên tìm cách mua phong bì, tem thư miền Bắc, gửi đến địa chỉ người nhận.

Những kẻ cầm đầu OP39 tin rằng người nhận thư sẽ
bị Cơ quan An ninh Bắc Việt Nam đặt vào vòng nghi vấn, và việc điều tra, xác
minh phải mất một thời gian dài. Dĩ nhiên, khi đã bị nghi vấn thì người ấy sẽ
không còn được giữ chức vụ cũ. Như thế, mầm mống bất mãn sẽ có cơ hội để phát
triển.

Riêng chương trình “Những mảnh xà
phòng” (Soap Chips), OP39 giao cho một số kẻ chiêu hồi, ngụy tạo những bức
thư gửi về gia đình, sau đó lính biệt kích sẽ đặt nó vào túi áo, túi quần hoặc
balô của những bộ đội tử trận. Nội dung thư kể lể cảnh sống cơ cực, thiếu thốn,
bệnh tật, những cái chết của đồng đội trên đường từ Bắc vàoNam vì bom B52.

Bên cạnh đó, thư cũng không quên đề cao sức mạnh
không quân, pháo binh, xe tăng, bộ binh quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng sự bi
quan về tương lai mờ mịt, không biết đến ngày nào mới chiến thắng. Theo
Weisshart, những người thu dọn tử thi sẽ phải lục tìm giấy tờ để tìm hiểu họ
tên, nhân thân người chết và chắc chắn họ sẽ đọc những bức  thư này. Nó sẽ
gây ra những tác động không nhỏ về tâm lý.

Không chỉ tiến hành chiến tranh tâm lý, OP39 còn
có chương trình “Anh trai cả” (Eldest Son). Thiếu tá David Thelm, thành viên
của OP39, cho biết: “Thông qua những kẻ lái súng, CIA đặt mua từ một nước
khác đạn B40, B41 và đạn súng cối 82 ly do Trung Quốc chế tạo rồi đem về tháo
ra, nhồi vào bên trong chất nổ tức thì. Những loại đạn này, máy bay của CIA bí
mật thả xuống vùng biên giới giữa Việt Nam, Campuchia, Lào để khi bộ đội thu
được, đem ra sử dụng, nó sẽ nổ ngay trong nòng súng, giết chết người bắn và những
người đứng xung quanh ngay lập tức.

Thất
bại thảm hại

Trong suốt 7 năm (từ 1961 đến 1968), CIA đã đầu
tư rất nhiều công sức và tiền bạc cho cuộc chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên kết
quả chỉ là những thất bại thảm hại. Tất cả những người dân miền Bắc, bộ đội
hoặc dân ở vùng giải phóng miền Nam khi nhặt được những túi
quà tâm lý chiến, đều tự giác đem nộp cho đơn vị, cho chính quyền. Trong một
bản phúc trình vào tháng 2/1968 của nhóm MACV do Thiếu tướng AR. Brownfield Jr.
chủ tọa, cho biết “Chương trình OP39 không rõ ràng và dàn trải quá
rộng”. Ba viên sĩ quan liên tiếp chỉ huy OP39 là Clyde Russell, Don
Balckburn và Jack Singlaub cũng thú nhận rằng kế hoạch OP39 không đem lại kết
quả mong muốn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại,
theo đại tá Bill Rydell, người cuối cùng chỉ huy OP 394, thì sự đánh giá không
chính xác kết quả của những cuộc hành quân tâm lý chiến phát xuất từ bộ phận
“sưu tầm và phân tích”. Họ đã không tìm ra các điểm yếu về tâm lý của
đối phương, cũng như không lường hết tinh thần cảnh giác của nhân dân miền Bắc.
Tháng 6/1967, tờ tạp chí “Học tập” và báo Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội đã cho
đăng bài viết, công khai tố cáo MTGTAQ chỉ là  một tổ chức ma nên người
dân miền Bắc lại càng thờ ơ với những chương trình phát thanh của đài này.

Đầu tháng 11/1968, Tổng thống Lyndon Johnson ra
lệnh chấm dứt Kế hoạch OP39 vì “không thu được kết quả gì”. Trại Do
Do ở Cù lao Chàm – “đảo thiên đường” giải tán. Đài MTGTAQ và Đài Mẹ Việt Nam
được giao cho Bộ Thông tin, Dân vận, Chiêu hồi của chính quyền Sài Gòn, do Vũ
Quang Ninh làm giám đốc, và nó tiếp tục hoạt động cho đến gần cuối tháng
4/1975. Còn Đài Cờ Đỏ, Sao Đỏ thì… tắt tiếng vì không còn tiền của Mỹ để hoạt
động.

Theo lời khai của một số nhân viên làm việc ở
Đài Mẹ Việt Nam và căn cứ vào trang thiết bị còn lại sau ngày Sài Gòn giải
phóng, thì các đài Gươm thiêng ái quốc, Cờ Đỏ, Sao Đỏ, Đài Tiếng nói Việt Nam
“dỏm”…, chỉ có một cơ sở kỹ thuật chung là Đài Mẹ Việt Nam mà thôi…

V.C.
(CAND)

Similar Posts